Nhiều băn khoăn được giải đáp
TTO - Sáng 15-3, gần 3.000 HS Đồng Tháp đã đến về Trường ĐH Đồng Tháp để dự Chương trình tư vấn tuyển sinh – hướng nghiệp 2014 do báo Tuổi Trẻ, Bộ GD-ĐT và Sở GD-ĐT Đồng Tháp phối hợp tổ chức.
Các bạn học sinh hào hứng khi tham gia ngày hội tư vấn - Ảnh: Quang Định |
Toàn cảnh buổi tư vấn hướng nghiệp tại Trường đại học Đồng Tháp - Ảnh: Như Hùng |
Toàn cảnh buổi tư vấn hướng nghiệp tại Trường đại học Đồng Tháp - Ảnh: Như Hùng |
Toàn cảnh buổi tư vấn hướng nghiệp tại Trường đại học Đồng Tháp - Ảnh: Như Hùng |
Các bạn học sinh nhận quà tặng của báo Tuổi Trẻ phát miễn phí tại ngày hội - Ảnh: Quang Định |
Trong phần tư vấn tuyển sinh chung, rất nhiều cánh tay giơ lên để đặt câu hỏi cho các thầy cô trong ban tư vấn. Đa số các câu hỏi đều tập trung vào các vấn đề băn khoăn trong chọn ngành, chọn nghề như thế nào cho phù hợp và đề thi sẽ như thế nào khi bỏ điểm sàn đại học.
Thích nhiều ngành, làm sao để chọn được ngành phù hợp?
Trước những băn khoăn của học sinh về việc có quá nhiều sở thích, không biết thực chất là mình thích ngành nào và nên chọn ngành nào cho phù hợp, TS Lê Thị Thanh Mai, trưởng ban công tác sinh viên ĐH Quốc gia TP.HCM, đã chia sẻ với các em học sinh về những sai lầm cần tránh trong chọn ngành, chọn nghề. TS Mai nói: “Trước hết cần phân biệt rõ giữa ngành học, nghề và việc làm. Đừng bao giờ vì nghề nghiệp mà ràng buộc rằng thích nghề đó, nghĩ chỉ có học ngành đó thì chúng ta mới làm được việc đó”. Một ngành khi chúng ta tốt nghiệp có thể chuẩn bị cho các em một số nghề khác nhau, đó là những vị trí khác nhau và ứng với những nghề cùng những điều kiện tuyển dụng khác nhau. Ngoài ra phải phân biệt kỹ năng nghề yêu cầu mà tự bản thân bắt buộc mình phải có, không có thì không có cách nào đào tạo được và những kỹ năng qua quá trình rèn luyện của bản thân.
Cái sai lầm thứ ba mà các em cần tránh khi chọn nghề đó là các em hay chọn nghề thụ động, nhìn xung quanh thấy nghề đó làm nhiều tiền quá nên thích, chỉ nhìn vào hào quang của nghề. Tất cả các nghề đều có một áp lực rất lớn, nếu các em muốn theo nghề thì cần phải nhìn những áp lực sau lưng nó là gì.
TS Lê Thị Thanh Mai – trưởng Ban công tác sinh viên ĐH Quốc gia TP.HCM, tư vấn cho các bạn học sinh - Ảnh: Quang Định |
PGS.TS Đỗ Văn Dũng – hiệu trưởng Trường đại học Sư phạm kỹ thuật TP.HCM, tư vấn cho các bạn học sinh - Ảnh: Quang Định |
TS Nguyễn Văn Bản – phó hiệu trưởng Trường ĐH Đồng Tháp, tư vấn cho các bạn học sinh - Ảnh: Quang Định |
Cuối cùng là khi xác định được rồi thì các em không biết học cái gì để ra làm nghề đó và gần như 80% các em chọn học đại học. Điều này hoàn toàn sai lầm. Bởi vì trong cơ cấu tổng thể nguồn nhân lực Việt Nam đến năm 2020 thì thực tế đất nước cần trình độ đại học, sau đại học là 20%, trình độ cao đẳng, trung cấp nghề là 80%. Nhưng một nghịch lý hiện nay là các em lại chọn ngược lại. Và thực chất mỗi năm chỉ có khoảng 30% giành được vé vào đại học, cho nên số còn lại các em không biết phải làm gì và chờ thêm một năm. Nhưng sau một năm, đặc biệt là ở vùng ĐBSCL có quá nhiều chuyện xảy ra, nếu như chọn nghề không dựa trên thực lực của mình thì trong một năm tiếp theo chắc chắn các em sẽ có những ngã rẽ khác không theo ý của các em nữa. Mỗi người chúng ta có rất nhiều sở thích nhưng trong các sở thích đó các em phải xác định cái nào mình làm được, có thể đạt được. Trước khi chọn nghề hãy đặt ra những câu hỏi như thế”.
Một học sinh của Trường THPT Thanh Bình 1 thắc mắc: “Em đã chọn được trường rồi nhưng vẫn băn khoăn không biết nên chọn ngành mà mình yêu thích hay nên chọn ngành theo nhu cầu của xã hội”.
Học sinh đặt câu hỏi cho ban tư vấn chuyên sâu tại buổi tư vấn hướng nghiệp Trường ĐH Đồng Tháp - Ảnh: Như Hùng |
Trả lời câu hỏi này, thạc sĩ Lâm Tường Thoại, ĐH Quốc gia TP.HCM, cho rằng phải dung hòa giữa chọn ngành mà xã hội cần và theo đúng sở thích. Sở thích phải lồng ghép trong đó các kỹ năng, năng lực mà mình đang có. Thạc sĩ Thoại nhấn mạnh: “Ở tuổi 18, các sở thích mà các em đang có chưa chắc là sở thích đúng đắn mà đây có thể là một sự nhầm tưởng nào đó. Nhưng với sở thích hiện tại các em nên tìm hiểu đằng sau sự vượt trội và cái bề nổi mà các em thấy thì có những khó khăn gì và bản thân các em có đủ năng lực để vượt qua hay không”.
Bạn Trần Thị Hồng Nhung, Trường THPT thành phố Cao Lãnh, đặt câu hỏi cho các thầy cô trong ban tư vấn - Ảnh: Quang Định |
Phải biết “liệu cơm gắp mắm”
Nhiều học sinh tỏ ra lo lắng trước phương án bỏ điểm sàn đại học, cao đẳng cũng như là phương án xét tuyển nguyện vọng bổ sung (NVBS) của các trường sẽ ra sao nếu không có điểm sàn. PGS.TS Đỗ Văn Xê, phó hiệu trưởng Trường ĐH Cần Thơ, trả lời: “Nếu không khéo chúng ta sẽ hiểu lầm ở chỗ bỏ điểm sàn. Điểm sàn là điểm tối thiểu của cộng lại ba môn, nếu em nào có tổng ba môn dưới điểm sàn thì các em không được xét tuyển. Còn bây giờ bỏ điểm sàn tức là điểm sàn của từng môn điểm liệt. Ví dụ người ta quy định mỗi môn tối thiểu là 4 điểm thì nếu như em có một môn 3,5 điểm thì hai môn còn lại dù các em 10 điểm hết thì các em cũng không qua cửa được. Các em phải hiểu rõ và phải cố gắng nhiều hơn nữa”.
Bà Trần Thị Thái – phó chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp, phát biểu khai mạc ngày hội tư vấn - Ảnh: Quang Định |
PGS.TS Nguyễn Văn Đệ - hiệu trưởng Trường đại học Đồng Tháp, phát biểu tại ngày hội - Ảnh: Quang Định |
PGS.TS Huỳnh Thanh Hùng (phó hiệu trưởng Trường ĐH Nông lâm TP.HCM) - Ảnh: Quang Định |
Trả lời câu hỏi “Sau khi biết kết quả của kỳ thi đại học, nếu không được nguyện vọng 1 thì nguyện vọng 2 sẽ xét như thế nào?” của một học sinh Trường THPT thành phố Cao Lãnh, PGS.TS Huỳnh Thanh Hùng, phó hiệu trưởng Trường ĐH Nông lâm TP.HCM, cho biết: “Năm nay bỏ điểm sàn nhưng Bộ GD-ĐT sẽ ra một điểm tối thiểu, nếu điểm các em trên điểm tối thiểu đó thì sẽ được nhà trường cấp cho hai giấy chứng nhận kết quả điểm (ít hơn năm 2013 một giấy chứng nhận). Các em sẽ dùng hai kết quả này để xét các NVBS. Nhưng để xét tuyển NVBS các em phải theo dõi thông tin trên các phương tiện để nắm rõ số chỉ tiêu còn lại, mức điểm, ngành nào còn có nhu cầu... Nếu chọn không cẩn thận sẽ rớt lần nữa. Xin nhắc lại là phải hết sức tỉnh táo khi chọn NVBS vì chỉ tiêu bổ sung rất ít và các trường cũng chỉ xét NVBS theo điểm từ cao tới thấp”.
PGS.TS Đỗ Văn Xê, phó hiệu trưởng Trường ĐH Cần Thơ, bổ sung: “Ít trường nào chừa nhiều NVBS. Nguyện vọng 2 chỉ chừa cho các ngành nào mà số thí sinh không đủ thì mới tuyển. Trường ĐH Cần Thơ có 65 ngành thì chỉ có 20 ngành có tuyển NV2 và sẽ không có tuyển NV3. Do đó các em phải “liệu cơm gắp mắm”, tùy theo năng lực của mình mà chọn trường nào đủ khả năng mình đậu”. Thầy Xê cũng cho biết thêm nếu đậu vào Trường ĐH Cần Thơ thì sinh viên có thể chọn thêm một ngành mà mình yêu thích nhưng trước đó không dám thi.
THÚY HẰNG - NGỌC TÀI
Số lần xem trang: 2450
Điều chỉnh lần cuối: