TRỰC TUYẾN "ĐƯA TRƯỜNG HỌC ĐẾN THÍ SINH 2014" Ở BUÔN MA THUỘT:
Ba mẹ không cho học triết vì khó kiếm việc
Thứ Bảy, 15/02/2014 15:07
(NLĐO) - Học ngành triết có khả năng kiếm việc không, có phải ra trường không quen biết, không thân thế dễ thất nghiệp hoặc với tính cách trầm tĩnh, ngại chốn đông người liệu có hợp với ngành luật... là những câu hỏi khiến cả sân trường vỗ tay tán thưởng trong Chương trình Đưa trường học đến thí sinh 2014 do Báo Người Lao Động tổ chức.
Tuần sau, chương trình sẽ tiếp tục được tổ chức tại các địa điểm tiếp theo với thời gian như sau: 8 giờ ngày 22-2 tại Trường THPT Mạc Đĩnh Chi (TP HCM); 8 giờ ngày 23-2 tại Trường ĐH Kinh tế Kỹ thuật Bình Dương (Bình Dương). Báo Người Lao Động Online sẽ tường thuật trực tuyến chương trình, mời quý vị độc giả đón xem.
Do thời lượng có hạn, Chương trình Đưa trường học đến thí sinh 2014 kết thúc vào lúc 16 giờ 15 trong sự nuối tiếc của các bạn học sinh. Sau chương trình, các thầy cô vẫn nán lại để giao lưu, chụp ảnh, trả lời thêm các thắc mắc của các em.
Học sinh chăm chú nghe thầy cô tư vấn
*Hiện nay, nhiều anh chị sinh viên ra trường không xin được việc làm. Em nghe mọi người bảo do họ không quen biết, không thân thế, không có "4C". Em muốn hỏi các thầy cô, điều đó có đúng không ạ?
Thầy Nguyễn Đức Nghĩa: Ông bà ta có câu "Nhất nghệ tinh, nhất thân vinh". "4C" hay không không quan trọng, điều quan trọng là nếu em học giỏi, có kỹ năng thì không sợ thất nghiệp. Xã hội luôn đón nhận những người tài giỏi. Chúc em thành công bằng chính đôi chân của mình.
* Bạn Thảo Ly: Em muốn học ngành triết học nhưng gia đình ngăn cản, cho rằng không có khả năng kiếm việc. Em muốn hỏi có phải học ngành triết học khó xin việc lắm không?
Nữ sinh đặt câu hỏi "Em trầm tĩnh có theo ngành luật được không" được cả trường vỗ tay cổ vũ
TS Nguyễn Đức Nghĩa, Phó Giám đốc ĐHQG TP HCM: Hiện ngành triết học đang được đào tạo tại ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn của ĐH Quốc gia TP HCM. Ngoài ra, môn triết là môn học bắt buộc đối với tất cả các ngành nên em có thể thấy tầm quan trọng của môn học này. Ra trường, em có thể làm việc trong các cơ quan chính quyền, trung tâm chính trị huyện, quận, tỉnh và các lĩnh vực khác, dùng các kiến thức triết học giải quyết các vấn đề.
Thầy Trần Đình Lý giao lưu với thí sinh sau buổi tư vấn
* Ngành sân khấu điện ảnh có ngành quay phim, chụp ảnh, em muốn biết thêm vào ngành này? (Bạn Kim, học sinh Trường THPT Lê Quý Đôn)
TS Nguyễn Đức Nghĩa: Đối với các trường khối văn hoá nghệ thuật, do đặc thù tổ chức thi riêng nên các em cần liên hệ trực tiếp với trường để nắm thông tin và mẫu hồ sơ. Riêng các nghề như quay phim, chụp ảnh, hiện không có ngành riêng biệt nhưng có trong nội dung đào tạo của số ngành như báo chí, truyền thông thuộc Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn TP HCM và các trung tâm thuộc một số trường ĐH.
Ths Hoàng Đức Bình - Đại diện Trường ĐH Hoa Sen - bổ sung câu trả lời: Các em có thể đăng ký học các kỹ năng này tại trung tâm thuộc ĐH Hoa Sen. Ngoài ra, Trường ĐH Hoa Sen còn có ngành quản trị công nghệ truyền thông. Tốt nghiệp ngành này, các em có thể làm tại các đài truyền hình, công ty truyền thông, hãng phim... Khối dự thi gồm: A, A1, D1, D3. Hiện duy nhất ĐH Hoa Sen đào tạo ngành này.
Nối tiếp chương trình là tiết mục văn nghệ với những bài hát mang đậm bản sắc Tây Nguyên "Yêu sao Đắk Lắk hôm nay" và tiết mục múa khuấy động không khí, như cổ vũ các em học sinh quyết tâm học tập để một ngày thành đạt, về cống hiến cho quê hương.
* Nguyễn Văn Sang (Lớp 12 A2, Trường THPT Lê Quý Đôn): Em được biết Khoa Y ĐH QG TP HCM có ngành y đa khoa. Điểm khác biệt giữa ngành này so với ngành y của các trường y khác. Khoa Y có chương trình liên kết với nước ngoài hay không? Học bổng không ạ?
TS Nguyễn Đức Nghĩa, Phó Giám đốc ĐHQG TP HCM: Ngành y đa khoa thuộc Khoa Y ĐHQG TP HCM. Chương trình đào tạo 6 năm, theo chương trình của Bộ Y tế, được cập nhật theo chương trình của các trường y ở Châu Âu. Khoa y có một số trung tâm nghiên cứu để các em có thể thực hành.
Về liên kết: Khoa Y có thể liên kết với các trường y trên thế giới. Hiện có rất nhiều học bổng dành cho các đối tượng nên các em cứ yên tâm nếu có ý định thi vào trường.
Tiết mục múa sôi động của học sinh Trường THPT Lê Quý Đôn
Đại diện đơn vị tài trợ Phân bón Bình Điền và Trường Quốc tế PSB lên trao học bổng cho các học sinh nghèo vượt khó. Chương trình truyền hình trực tiếp kết thúc, các thầy cô vẫn tiếp tục tư vấn nhiệt tình cho các học sinh.
Tạm khép lại phần 1 tư vấn trực tiếp, thầy TS Nguyễn Đức Nghĩa, Phó Giám đốc ĐHQG TP HCM khuyên rằng các em đừng nên đặt nặng việc học ngành nào phải ra làm ngành đó. Thầy cho biết các ngành đều có những môn học chung nên sinh viên ra trường vẫn có thể có nhiều cơ hội. Nhiều sinh viên tuy học ngành cơ khí nhưng lại ra trường, xin việc vào làm phục vụ trong một khách sạn lớn. Làm một thời gian, gặp trường hợp thang máy khách sạn hỏng hóc, em lại có cơ hội thể hiện năng lực và cuối cùng có được chỗ làm ổn định.
* Em muốn biết bằng cấp của Trường Quốc tế PSB được công nhận ở nước ngoài không?
- Bà Võ Thị Hồng Hải, đại diện Trường Quốc tế PSB: Trường được Bộ GD-ĐT Việt Nam và các nước công nhận, bằng do Singapore cấp. Văn bằng giống như ở các trường nước ngoài, không khác biệt về hình thức.
* Trường ĐH Hồng Bàng có ngành đào tạo công nghệ spa và ngành y học thể dục thể thao. Nội dung chương trình các ngành học này là gì?
Trả lời: Ngành này đào tạo người làm y học thể dục thể thao, đây là ngành cần nhiều nhân lực.Năm thứ 2, sinh viên có thể đi làm tại các ngày hội thể dục thể thao. Thi khối B và T, năng khiếu nhân hệ số 2.
Học sinh nhiệt tình đặt câu hỏi cho ban tư vấn
* Em muốn biết thêm về ngành công nghệ bao bì và kỹ thuật an toàn thực phẩm của ĐH Công nghệ thực phẩm?
Trường ĐH Công nghiệp thực phẩm: Ngành thực phẩm là ngành ích nước lợi nhà, thu hút nhiều sinh viên theo học. Vì vậy, sau khi ra trường, với các kiến thức và kỹ năng học tập tại trường, sinh viên có thể đáp ứng các yêu cầu của các doanh nghiệp trong và ngoài nước.
* Em đang quan tâm đến 2 ngành là kinh tế nông lâm và kinh tế lâm sinh của trường ĐH Tây Nguyên: (Nguyễn Hoàng Sơn, 12 A3, Trường THPT Lê Quý Đôn). Mong quý thầy cô cho biết thông tin về các ngành này.
Trường ĐH Tây nguyên: Hai ngành kinh tế này thi khối A và A1. Ngành kinh tế lâm nghiệp năm ngoái điểm chuẩn bằng điểm sàn em nhé.
* Bùi Ngọc Ánh: Em muốn thi ĐH Luật nhưng tính cách em trầm tĩnh, không thích chốn đông người. Vậy em có nên thi ngành luật không? Tại sao những trường liên quan kinh doanh, kinh tế ít dạy môn luật?
TS Trần Đình Lý: Theo quan sát, có vẻ tính em hướng ngoại, năng động chứ không trầm tĩnh như em nghĩ. Với tố chất đó, em nên tự trắc nghiệm chính mình để xem mình phù hợp ngành luật hay không. Chúng tôi lại nghĩ có vẻ em phù hợp với các ngành nghề hướng ngoại như nhà báo, luật sư... Còn về môn pháp luật, đây là môn bắt buộc trong chương trình giáo dục ĐH-CĐ.
Học sinh tập trung đông đủ và thi nhau đặt câu hỏi cho ban tư vấn
* Phan Thị Điền Nha, Trường THPT Dân lập Phú Xuân: Để được học chương trình bằng tiếng Anh, Trường PSB xét tuyển hay thi tuyển, thi đầu vào có tiếng Anh không.
Bà Võ Thị Hồng Hải, Trường PSB: Trường 100% vốn nước ngoài, chỉ xét tuyển với các điều kiện: Tốt nghiệp THPT, học chương trình bằng tiếng Anh thì phải có trình độ tiếng Anh nhất định. Trường còn có chương trình Tiếng Anh dự bị học thuật để cho các bạn trước khi các bạn vào nhà trường. Hệ CĐ học 2 năm, hệ ĐH học 3 năm. ĐH tuyển sinh trên cả nước.
* Em muốn tìm hiểu về chương trình Chất lượng cao của ĐH Ngân hàng TP HCM?
Thầy Trương Tiến Sỹ, Phó Trưởng Phòng đào tạo Trường ĐH Ngân hàng TP HCM: Năm 2014 là năm thứ 2 trường ĐH Ngân hàng tuyển sinh chất lượng cao cho 3 ngành: Tài chính, quản trị kinh doanh, kế toán. Để theo học chương trình, các em phải trúng tuyển trong kỳ thi tuyển sinh ĐH vào trường năm 2014. Sự khác biệt chương trình này với chương trình bình thường: Cơ sở vật chất hiện đại, đội ngũ giảng viên được lựa chọn, đào tạo kỹ càng từ các nước, chương trình đào tạo tiệm cận với chương trình quốc tế; giảng dạy bằng Tiếng Anh cho tất cả các môn chuyên ngành. Yêu cầu chuẩn đầu ra tiếng Anh IELTS 6.5, học phí cao gấp 5 lần so với mức học phí do Nhà nước quy định.
Bà Võ Thị Hồng Hải, đại diện Trường Quốc tế PSB tư vấn cho các thí sinh
* Trần Phương Thúy (12A13), Trường Lê Qúy Đôn: Cơ chế tuyển sinh vào trường CĐ Sư phạm Đắk Lắk, ngành sư phạm tiểu học?
Đại diện Trường CĐ Đắk Lắk: Năm 2014, trường có 1.000 chỉ tiêu, đào tạo CĐ chính quy cả sư phạm và ngoài sư phạm. Trường tuyển sinh 11 ngành sư phạm, trong đó có giáo dục tiểu học. Ngoài ra, chúng tôi còn đào tạo 9.000 chỉ tiêu các ngành ngoài sư phạm.
Phương thức tuyển sinh: Không tổ chức thi riêng và lấy kết quả tuyển sinh thi ĐH trong cả nước xét tuyển
TƯ VẤN TRỰC TIẾP:
TS Trần Đình Lý, Trưởng Phòng Đào tạo Trường ĐH Nông Lâm TP HCM, đặt câu hỏi với học sinh
Ông Đỗ Danh Phương phát biểu trong buổi tư vấn
TS Trần Đình Lý, Trưởng Phòng Đào tạo Trường ĐH Nông Lâm TP HCM, cho biết công tác tư vấn hướng nghiệp rất quan trọng trong mỗi kỳ thi ĐH-CĐ. "Chúng ta phải xác định mình phù hợp với lĩnh vực nào, tiếp theo là phải học ngành nào để theo đuổi nghề đó, cuối cùng chọn trường nào phù hợp với lực học để có thể thực hiện ước mơ của mình", thầy Lý nói. Sau khi phỏng vấn nguyện vọng vài bạn học sinh, thầy Lý nhấn mạnh rằng các em phải xác định ngành nghề nào, sau đó chọn trường nào có được nhóm ngành phù hợp. Thầy Lý nói: Kiến thức, kỹ năng, thái độ là ba yếu tố học sinh nên có khi chọn trường hợp với năng lực. Nếu không chọn đúng lĩnh vực, ngành nghề, trường mong muốn, các bạn sẽ dễ dàng rời bỏ trường bất cứ lúc nào.
Ông Đỗ Danh Phương tặng hoa cho đơn vị tài trơ và các thầy cô tham gia tư vấn
TS Nguyễn Đức Nghĩa, Phó Giám đốc ĐHQG TP HCM, cho biết đợt tuyển sinh năm nay có nhiều điểm mới nhưng nhìn chung, các trường vẫn giữ hình thức thi ba chung: Chung đợt thi, chung đề thi, chung kết quả xét tuyển. Tình hình tuyển sinh năm 2014 dự kiến có nhiều điểm mới: Nhiều trường ĐH-CĐ có thể tổ chức thi riêng nhưng hiện Bộ GD-ĐT vẫn chưa đưa ra quyết định chính thức. Đến nay, đã có 10 trường văn hoá, nghệ thuật đã thi riêng từ năm trước sẽ thực hiện. Điểm mới nữa là nhiều điều chỉnh ưu tiên tuyển sinh sẽ được thực hiện: Ưu tiên theo khu vực và theo đối tượng. Theo đó, như các năm, TP như Buôn Ma Thuột sẽ được cộng 1,5 điểm so với các thành phố trực thuộc trung ương nhưng năm nay, chỉ các thôn xã đặc biệt khó khăn trong TP mới được cộng. Các em có cha mẹ người dân tộc thiểu số năm ngoái được xếp vào đối tượng ưu tiên bậc 1 nhưng năm nay, nếu cha mẹ các em là dân tộc thiểu số cư ngụ tại thành phố, các em sẽ mất 1 điểm ưu tiên. Riêng học sinh Đắk Lắk, khi thi vào các trường ĐH ở TP HCM sẽ không được thi ở Quy Nhơn, mà phải vào TP HCM dự thi. Do đó, các em cần cố gắng hơn trên con đường thực hiện ước mơ của mình.
TS Nguyễn Đức Nghĩa, Phó Giám đốc ĐHQG TP HCM cung cấp thông tin về kỳ tuyển sinh 2014
Năm nay, các nhà tài trợ có rất nhiều quà tặng, học bổng cho các thí sinh, với số lượng nhiều nhất so với các năm.
Tiếp theo là phần phát biểu của ông Trương Quốc Huy - đại diện đơn vị tài trợ Phân bón Bình Điền. Ông Huy cho biết cùng chung khát vọng vươn tới tương lai, chung niềm tin về sự no ấm, thành đạt, đơn vị tài trợ và chương trình đã gặp nhau. "Năm 2014, lần đầu tiên Công ty Cổ phần phân bón Bình điền đồng hành, sát cánh với con em nông dân trong chương trình Đưa trường học đến thí sinh 2014 do Báo Người Lao Động tổ chức, chúng tôi rất hân hạnh", ông Quốc Huy nói.
Ông Đỗ Danh Phương - Tổng Biên tập Báo Người Lao Động - lên nói lời cảm ơn các thầy cô giáo trong ban tuyển sinh, đơn vị tài trợ Phân bón Bình Điền và Đài PT-TH Đắk Lắk đã đồng hành cùng chương trình. Ông Phương cho biết giáo dục năm nay có nhiều điểm mới, do đó ông hy vọng chương trình sẽ giúp các em học sinh dễ dàng lựa chọn được ngành nghề mình yêu thích. Việc lựa chọn ngành nghề luôn là bài toán khó nên các em đừng ngần ngại đặt câu hỏi để có thể tìm được ngành nghề phù hợp, có được tương lai tươi sáng, cống hiến hết mình cho quê hương đất nước.
Mới 13 giờ 30, học sinh các trường đã tập họp đông đủ dưới sân Trường THPT Lê Quý Đôn với tâm trạng háo hức, sẵn sàng tham dự chương trình tư vấn. Buôn Ma Thuột chiều nay (15-2) trời nắng đẹp, hứa hẹn một buổi khai mạc Chương trình Đưa trường học đến thí sinh 2014 thành công tốt đẹp. Chương trình được truyền hình trực tiếp trên Đài PT-TH Đắk Lắk với sự tài trợ của Công ty CP Phân Bón Bình Điền và sự đồng hành của các trường ĐH, CĐ.
Đại diện đơn vị tài trợ - ông Trương Quốc Huy - trao học bổng cho các học sinh vượt khó
Chương trình Đưa trường học đến thí sinh 2014 do Báo Người Lao Động tổ chức diễn ra tại Trường THPT Lê Quý Đôn, TP Buôn Ma Thuột, Đắk Lắk với sự tham dự của 2.100 học sinh các Trường THPT Lê Quý Đôn, Chu Văn An, Cao Bá Quát và Dân lập Phú Xuân, TP Buôn Ma Thuột.
Ban tư vấn tham gia chương trình gồm:
-TS Nguyễn Đức Nghĩa, Phó Giám đốc ĐHQG TP HCM
-PGS-TS Đặng Vũ Ngoạn, Hiệu trưởng Trường ĐH Công nghiệp Thực phẩm TP HCM
-PGS-TS Trần Quang Hân, Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Tây Nguyên
-TS Trần Đình Lý, Trưởng Phòng Đào tạo Trường ĐH Nông Lâm TP HCM;
- ThS Trương Tiến Sỹ, Trường ĐH Ngân hàng TP HCM
- ThS Phạm Thế Vinh, Trường ĐH Tài chính - Marketing
-Ths Trương Tiến Sỹ, Phó Trưởng Phòng Đào tạo Trường ĐH Ngân hàng TP HCM
- Bà Võ Thị Hồng Hải, đại diện Trường Quốc tế PSB
-Ông Huỳnh Quốc Phong, Giám đốc Trung tâm Tư vấn hướng nghiệp Trường ĐH Quốc tế Hồng Bàng
- Anh Hoàng Đức Bình - Đại diện Trường ĐH Hoa Sen
- Bà Võ Thị Hồng Hải, đại diện Trường Quốc tế PSB;
- Ths Huỳnh Quốc Phong, Giám đốc Trung tâm tư vấn hướng nghiệp, Trường ĐH Quốc tế Hồng Bàng.
Chương trình còn có sự tham dự của ông Đỗ Danh Phương, Tổng biên tập Báo Người Lao Động.
Đơn vị tài trợ:
Số lần xem trang: 2424
Điều chỉnh lần cuối: